Phong tục và văn hóa giao tiếp của người Đài Loan

Phong tục ở Đài Loan rất gần gũi với phong tục của Việt Nam, tiêu biểu nhất là các lễ hội. Hàng năm đều có các lễ hội lớn như:

  • Tết Âm lịch: là tết truyền thống đón năm mới, thường kéo dài 5 ngày, từ 30 tháng chạp đến ngày 4 tháng giêng âm lịch.
  • Tết Nguyên tiêu: (còn gọi là Tết Đăng tiết hay Tết nhỏ) diễn ra vào ngày 15 tháng giêng âm lịch.
  • Tết Đoan ngọ: vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, người Đài Loan tổ chức tết Đoan ngọ khắp mọi nơi.
  • Tết Thất tịch (vulan): ngày 7 tháng 7 hàng năm được coi là ngày Tết tình nhân của người Trung Quốc.
  • Tết Trung thu: diễn ra vào ngày rằm tháng 8 âm lịch là ngày sinh của thần mặt Trăng, trăng tròn và sáng nhất năm.
  • Tết Đông chí: được tổ chức vào ngày 22 và 23 tháng 12 dương lịch hàng năm, đây là ngày đông chí, đêm dài nhất và ngày ngắn nhất trong năm. Người dân Đài Loan ăn tết tượng trưng cho sự xum họp gia đình.

Tập quán sinh hoạt của người Đài Loan có nhiều nét gần gũi với người Việt Nam. Vào buổi sáng, họ thường ăn bánh bao, trứng rán, bánh mì, sữa đậu nành. Bữa trưa họ ăn trong các quán ăn hoặc cơm hộp để bảo đảm về mặt thời gian làm việc. Bữa tối, chủ yếu ăn ở nhà hoặc tại các quán ngoài phố. Người Đài Loan rất ít uống bia, rượu vào bữa trưa và sáng mà chỉ uống nước hoa quả hoặc cà phê.

  • Luôn tuân theo sự chỉ bảo của cấp trên hoặc của người điều hành.
  • Không phàn nàn nhiều, việc làm thêm ngoài giờ tại Đài Loan là hết sức bình thường.
  • Không chây lười, trốn việc, không bao giờ nói dối, lừa gạt cấp trên hay người điều hành và luôn có sự hợp tác để hoàn thành công việc chung.
  • Cấp trên, ông chủ hoặc người điều hành cũng làm việc như những người khác.
  • Nhờ có những đức tính này mà người Đài Loan rất thành đạt trong công việc và cuộc sống.

Không nên bắt tay chặt, mà lỏng tay hoặc nhẹ nhàng. Chào hỏi người có chức quyền cao nhất trước chứ không chào hỏi phụ nữ trước. Khi giới thiệu người khác với ai đó thì không bao giờ được phép dùng ngón tay trỏ chỉ về người đó không lịch sự, tốt nhất là dùng cả bàn tay đã được ngả lòng ra rồi chỉ về phía người đó.

Khi gặp gỡ làm quen có thể hỏi những chuyện liên quan đến cá nhân như có vợ chồng chưa, mấy con, thậm chí cả về mức lương. Nếu được hỏi như vậy thì bạn không nên lảng tránh trả lời. Chủ đề trao đổi khi gặp gỡ làm quen nên là thể thao, tốt nhất là bóng đá, tuyệt đối không nên đề cập tới các chủ đề về chính trị, không nên có lời phê phán.

Đàm phán với người Đài Loan không đơn giản và thường kéo dài. Ban đầu thường là một bữa tiệc kéo dài mà trong đó không bàn về chuyện làm ăn mà để dành đến cuối bữa. Nếu không đi đến nhất trí thì bạn cũng đừng bực bội mà hãy cố vui vẻ và quả quyết là rất quan tâm tới việc đạt được sự nhất trí với nhau để hợp tác kinh doanh.

Thường sau đó vài ngày sẽ có được chuyển biến tích cực. Người Đài Loan kiêng số 4. Bạn không được tặng cái gì có liên quan đến con số này. Bạn nhớ luôn mang danh thiếp theo, xoay phần chữ xuôi về người được nhận và trao nhận bằng cả hai tay, nhớ đọc danh thiếp nhận được rồi mới cất đi. Không được lấy đũa gõ vào bát bởi đó là hành vi của những kẻ ăn mày.

Không bao giờ được cắm đũa vào bát cơm vì chỉ có cơm cúng người chết mới làm như vậy. Khi ăn tiệc với người Đài Loan, bạn không nên ngại những tiếng động do ăn uống gây ra vì người Đài Loan coi đó là dấu hiệu khách ăn ngon. Khi được mời đến dự tiệc, người Đài Loan thường lịch sự rụt rè, bạn phải thường xuyên mời họ ăn uống, rót đồ uống (rượu, bia) thường phải đầy cốc, nếu không có người phục vụ thì nam giới rót đồ uống cho phụ nữ, cấp trên rót cho cấp dưới.

Tặng quà là thông lệ bình thường, có thể tặng hoa quả, bánh ngọt hay đồ uống có cồn, nhưng không được phép tặng đồng hồ. Nếu được người Đài Loan tặng quà thì không được mở gói quà trước mặt người tặng. Nên ở trong khách sạn từ hạng trung trở lên vì nhận biết đối tác thuộc đẳng cấp nào là chuyện rất quan trọng ở Đài Loan. Câu hỏi rất hay gặp phải ở Đài Loan là bạn ở khách sạn nào.

Nguồn: duhocdailoan.biz

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục: